Nơi ghi dấu một năm học đầy yêu thương và nhiều thành quả của con gái Hà Linh

Thứ năm - 06/10/2016 09:34
Hanoi Montessori School – Nơi ghi dấu một năm học đầy yêu thương và nhiều thành quả của con gái Hà Linh
( Đây là thư của chị Vũ Diệp, mẹ Hà Linh – học sinh lớp Montessori, đã kết thúc những ngày học cuối cùng ở đây vào tháng 6 vừa qua. Cảm ơn mẹ Hà Linh về những chia sẻ chân thật và tình cảm của chị cũng như sự hỗ trợ của gia đình cho nhà trường trong suốt quá trình con theo học tại đây. )
Untitled 1 1
Untitled 1 1
Tháng 7 năm 2015, vì một số lý do mà vợ chồng tôi quyết định chuyển trường mẫu giáo cho con gái, trong đó, tiêu chí quan trong nhất chỉ đơn giản là gần nhà để tiện cho việc đưa đón. Đơn giản thế thôi, nhưng đến bây giờ, chúng tôi luôn thấy mãn nguyện với sự lựa chọn tình cờ mà đem lại nhiều thành quả bất ngờ này.
Đã có rất nhiều bài viết giới thiệu về phương pháp Mon nên tôi thấy không cần phải đề cập lại về phương pháp này nữa. Với tôi – một người cũng làm việc trong lĩnh vực giáo dục thì tôi tin rằng các phương pháp dù ưu việt đến đâu chăng nữa, hiệu quả khó có thể được tối đa hóa nếu thiếu đi những người thầy người cô có chuyên môn và tâm huyết và một môi trường sư phạm tuyệt vời. Quả thật, một năm của con gái tại HMS là một năm được dậy dỗ để biết tự phục vụ, được truyền cảm hứng học tập và khám phá cũng như được sống trong tình yêu thương của các cô, các bạn và nhà trường.
Ngay từ những tuần đầu tiên đến lớp, con gái luôn trở về nhà với gương mặt hân hoan và hào hứng kể về các hoạt động ở lớp từ việc ăn gì, học gì, chơi gì rồi được các cô chỉ bảo, hướng dẫn trong các hoạt động ra sao. Đặc biệt, con luôn hào hứng với những giờ tiếng Anh cùng cô giáo Susan. Con kể về tiết học của cô Susan quá hào hứng đến nỗi tôi cũng đã xin đến dự giờ một tiết học của cô. Kết quả sau khi mắt thấy tai nghe, tôi đã hiểu tại sao tiết học 30 phút đó lại khiến con yêu thích đến thế. Từ đây, tình yêu của con với việc học tiếng Anh được bồi đắp lên rất nhiều từ những kiến thức ít ỏi con đã được làm quen trước đó. Không vui sao được khi mỗi ngày trở về nhà con lại líu lo hát, lúc thì Yellow Bumble Bee, lúc thì Lady Bug hay The Ants Go Marching One by One…
Thế nhưng, dù cho có đọc nhiều đến mấy về phương pháp Mon, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi được ngồi quan sát một tiết học Mon của con và các bạn. Điều làm tôi ấn tượng hơn cả là vai trò và vị trí của các cô trong tiết học hôm đó. Tôi không thấy hình ảnh những đứa trẻ ngồi xếp vòng quanh chăm chú lắng nghe cô giáo trong một lớp học truyền thống ở đây. Thay vào đó, tôi thấy các cô giáo đứng ở một số vị trí nhất định và quan sát các con để hướng dẫn và trợ giúp khi cần, chứ không làm hộ hay can thiệp khi các con chưa đề nghị. Những đứa trẻ lũn cũn tự đi lấy đồ dùng cho hoạt động, tự rửa dụng cụ, tự lựa chọn hoạt động đã được hướng dẫn, cùng phối hợp với nhau trong quá trình thực hiện và đôi khi tự giải quyết một số xung đột nhỏ. Tôi tin rằng phụ huynh nào nhìn thấy hình ảnh này của con em mình cũng sẽ không khỏi tự hào và vui sướng trong lòng bởi đứa con bé bỏng của mình sao lại có thể cứng cáp, tự chủ và linh hoạt đến vậy. Nếu là ở nhà, có lẽ con tôi sẽ khó có cơ hội để tham gia những hoạt động như ở lớp vì tôi hay sợ đổ vỡ, sợ hỏng hóc, sợ con đau… Do đó, tôi thấy vô cùng biết ơn môi trường sư phạm này đã dậy cho con những điều mà ở nhà bản thân tôi chưa thể hoặc chưa đủ phương pháp để thực hiện. Giờ đây, đứa trẻ sắp lên lớp 1 của tôi đã biết hoàn thành phần lớn những việc liên quan đến bản thân, đôi khi giúp đỡ bố mẹ những việc nhỏ trong nhà như nhặt rau, rửa bát… Thấy được sự trưởng thành của con, tôi tự nhủ mình cần phải tin tưởng con hơn và cho phép con được trải nghiệm, được sai hỏng và được học ngay trong quá trình trải nghiệm của con.
Điều này khiến tôi lại liên tưởng đến phương pháp student-centered learning (lấy người học làm trung tâm) trong giáo pháp giảng dậy ngôn ngữ. Để có thể biến học sinh thành trung tâm của tiết học như vậy, người giáo viên sẽ phải là những người huấn luyện viên có khả năng thiết kế hoạt động và dẫn dắt có phương pháp. Mà việc này sẽ thách thức đối với người giáo viên hơn rất nhiều so với việc giảng dậy và truyền thụ kiến thức một chiều như phương pháp truyền thống. Học sinh được thụ hưởng phương pháp này sẽ được khuyến khích tính sáng tạo, chủ động và từ đó thêm yêu thích việc học của mình hơn. Do vậy, tôi càng cảm thấy may mắn và biết ơn khi con mình đang được giáo dục theo cách này.
Nhưng trên hết, là một người mẹ gửi con đến trường và là một người làm nghề giảng dậy, tôi luôn tâm niệm rằng dậy con biết tin tưởng và yêu thương mới tạo nên giá trị cốt lõi của một đứa trẻ và một công dân tốt về sau. Tình yêu của con gái với ngôi trường của con thật giản dị, trong trẻo và được bộc lộ rất tự nhiên qua từng việc con làm và từng lời con nói. Những giờ ôn bài với mẹ, con sẵn sàng “dậy” lại mẹ những gì mà con được học ở lớp: rằng cô Dung, cô Đào bảo con thế này này; cô Caroline dậy con bài hát mới mẹ ạ; cô Courtney dậy con về các châu lục đấy, mẹ mang quả địa cầu ra con chỉ cho, hay đôi khi lại một mực khẳng định sau này con sẽ trở thành cô giáo dậy thơ như cô Trang. Rồi những câu chuyện trong lớp học luôn xoay quanh các trò chơi, hoạt động nấu ăn với Pooh, Dâu Tây, Thỏ, Bi… luôn là những chủ đề bất tận trong các giờ chơi của con tại nhà. Và có lẽ trong ký ức tuổi thơ của con những ngày tháng tại mái trường sẽ luôn là những kỷ niệm tươi đẹp nhất. Cám ơn các cô, các bạn và mái trường đã cùng Hà Linh trải nghiệm một năm học tuyệt vời và tôi tin “Trái tim yêu thương là điểm bắt đầu của mọi tri thức” – Thomas Carlyle.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người , mũ và trẻ em

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên hệ với chúng tôi

Phòng tiếp đón


Phòng Hiệu trưởng


Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay79
  • Tháng hiện tại1,677
  • Tổng lượt truy cập228,150
Ảnh quảng cáo bên trái
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây